Tiêu chuẩn lao động và tự do thương mại
Cho đến thời điểm này, Việt Nam chưa ký kết hiệp định song phương hoặc đa phương nào có điều khoản về tiêu chuẩn lao động.
Đó là kết quả rà soát mà Bộ Công Thương đã đưa ra tại hội thảo “Vấn đề lao động trong các Hiệp định tự do thương mại (FTA): Cơ hội và thách thức đối với Việt Nam” vừa được Bộ Lao động - Thương binh và xã hội kết hợp với Tổ chức lao động quốc tế (ILO) tổ chức.
Theo Bộ Công Thương, trong thời gian qua, Việt Nam đã thiết lập FTA với 15 nước trong khuôn khổ của 6 FTA với ASEAN, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia – New Zealand và Ấn Độ. Tuy nhiên, Việt Nam chưa ký kết hiệp định song phương hoặc đa phương nào có điều khoản về tiêu chuẩn lao động.
Báo cáo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cũng nêu rõ, Việt Nam đã từng phê chuẩn 17 công ước về vấn đề lao động với Tổ chức Lao động quốc tế. Việt Nam cũng đã đụng chạm tới các tiêu chuẩn lao động cơ bản khi vận động Hoa Kỳ trao quy chế ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP), trong quá trình đối thoại nhân quyền, đối thoại lao động với Hoa Kỳ và EU… Vấn đề tiêu chuẩn lao động là không mới, nhưng gắn nó với thương mại lại là vấn đề mới tại Việt Nam.
Ông Nguyễn Kim Phương, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, hiện vẫn có nhiều người có quan điểm rằng, Hiệp định tự do thương mại thì chỉ hoàn toàn về thương mại, về đầu tư, không liên quan đến vấn đề lao động. Tuy nhiên, theo ông Phương, đang có một xu hướng khác là đối tác xã hội (Công đoàn hoặc người tiêu dùng) các nước hiện đang gây áp lực lên Chính phủ về việc phải gắn các vấn đề về lao động, môi trường vào các FTA.
Ông Phương cũng cho biết thêm, Việt Nam đang tham gia nhóm đàm phán lao động trong Hiệp định đối tác chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP). Hiệp định này đã tiến hành đám phán đến vòng thứ sáu, đây là FTA đầu tiên mà Việt Nam tham gia đàm phán có chứa đựng các cam kết về tiêu chuẩn lao động.
Thực tế, với nhiều tổ chức, đặc biệt người lao động rất quan tâm đến những tác động của các khoản về lao động trong FTA đối với công ăn việc làm, thu nhập, mức sống, an sinh xã hội … bởi nó liên quan đến lợi ích của chính họ.
Tuy nhiên, đối với Chính phủ, nhiều ý kiến tỏ ra lo ngại liệu các cam kết về lao động có làm tổn hại các nỗ lực tự do thương mại không? Hay nói cách khác, các điều khỏan về lao động có là rào cản trong thương mại?
Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội, ông Phạm Minh Huân cho rằng, việc nghiên cứu vấn đề lao động trong việc ký kết hiệp định tự do thương mại song phương hoặc đa phương sẽ giúp Chính phủ hoạch định chính sách và xây dựng phương án đàm phán đảm bảo tốt nhất lợi ích quốc gia và xây dựng sự đồng thuận trong nước. Ngoài ra, vấn đề này còn giúp các doanh nghiệp và người lao động chuẩn bị cả về mặt tâm lý và kỹ thuật để bảo đảm thực thi các thỏa thuận quốc tế sau khi ký kết.
Cùng quan điểm trên, bà Phạm Lan Hương, Trưởng ban Nghiên cứu Chính sách kinh tế vĩ mô, Viện Quản lý Kinh tế Trung ương cũng có ý kiến, các FTA sẽ giúp chúng ta tạo việc làm, phát triển và tăng trưởng kinh tế, rút ngắn khỏang cách phát triển, hoàn thiện thể chế theo cơ chế thị trường và chuẩn mực quốc tế, minh bạch chính sách…
Tuy nhiên, theo bà Hương, đưa tiêu chuẩn lao động vào các hiệp định tự do thương mại sẽ có những đòi hỏi như sửa đổi Luật Lao động và Luật Công đòan để phù hợp với các cam kết quốc tế, đảm bảo các quyền lao động được quốc tế chấp nhận như tự do thỏa thuận mức lương giữa người lao động và người sử dụng lao động.
Về phía các chuyên gia nước ngoài, ông Franz Ebert, chuyên gia Học viên nghiên cứu quốc tế về lao động, ILO Geneva, các điều khỏan lao động trong các Hiệp định thương mại không phải là mối đe dọa tới các lợi ích thương mại của các nước đang phát triển. Việc hợp tác đem tới các cơ hội liên quan tới phát triển quốc gia trong lĩnh vực lao động và các cơ hội này có thể được tăng cường và nhấn mạnh thông qua các đàm phán thương mại đang thực hiện.
Thế nhưng ông Franz Ebert cũng nhấn mạnh rằng, khi trong hiệp định thương mại có liên quan tới lao động thì cần phải đưa được các điều khỏan để cải thiện thực trạng người lao động tốt hơn.
Ví dụ về kinh nghiệm hợp tác về lao động từ Hiệp định của Canada-Chile (ALC), trong các điều khoản thương mại có liên quan tới lao động, ALC đã vận dụng hiện đại hóa việc thanh tra lao động cùng đó khuyến khích đối thoại xã hội xung quanh đề xuất cải cách tiến trình pháp luật trong lao động…
Còn về phía Mỹ, hàng năm quốc gia này đã chi tới 20 triệu USD để dành cho các hợp tác liên quan tới lao động trong các lĩnh vực: lao động trong các bộ, thanh tra lao động; hệ thống đánh giá lao động, cố vấn pháp luật cho công nhân; giảm sự phân biệt đối xử trong các nhà máy và tạo ra nền văn hóa tuân thủ.
(Theo Vneconomy)